GIỚI THIỆU VỀ ĐÀ LẠT

MỘT SỐ THÔNG TIN DU LICH ĐÀ LẠT - LÂM ĐỒNG:
(Mã vùng 84 - 63)
Diện tích: 9 765 km2
Dân số (2002): 1 064 300 người
Tỉnh lỵ: Thành phố Đà Lạt
Các huyện, thị: Thị xã Bảo Lộc; huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. 
Dân tộc: Việt (Kinh), Cờ Ho, Mạ, Nùng
Tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1500 m so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía đông nam giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, phía tây giáp các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.



Phía bắc tỉnh là hai dãy núi đi song song từ đông sang tây, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2 405 m, Yang Bông cao 1 749 m. Dãy núi phía nam, sát ngay Đà Lạt, có các đỉnh Đan Sê Na cao 1 950 m, Lang Biang cao 2 163 m, Hòn Nga cao 1 948 m. Giữa hai dãy núi này là nơi bắt nguồn của các dòng sông Đa Dung chảy vào Đồng Nai, sông Cáy chảy ra Nha Trang. Phía nam của hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trong đó có Tp Đà Lạt ở độ cao 1 475 m. Phía đông và nam tỉnh có cao nguyên nhỏ Di Linh cao 1 010 m, khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà chảy vào Đồng Nai.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300 km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ. Nếu đi theo đường 11 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt.
Di tích - Danh thắng: Chùa Linh Sơn; Chùa Linh Phong; Chùa Linh Quang; Thiền viện Trúc Lâm; Các dinh thự; Ga Đà Lạt; Hồ Than Thở; Hồ Xuân Hương; Hồ Tuyền Lâm;Hồ Đankia - suối Vàng; Hồ Đa Nhim; Nhà thờ Đà Lạt; Đèo Ngoạn Mục; Núi Langbiang; Thác Cam Ly; Thác Đambri; Thác Đatanla; Thác Guga; Thác Pông-gua; Thác Prenn; Thung lũng tình yêu; Khu du lịch ĐaMê; Sân Golf  Đà Lạt; Vườn hoa Đà Lạt .
Lễ hội: Lễ hội Ăn Trâu; Lễ hội cúng thần Suối; Lễ cúng thần Bơ Mung; Lễ cúng cơm mới .
 Thung lũng Tình yêu
 Vị trí: Thung lũng Tình yêu nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5km về phía bắc
Đặc điểm: Thung lũng tình yêu chìm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc.
Thoạt đầu người Pháp gọi nơi này là Valley d'Amour; đến thời Bảo Đại làm Quốc trưởng được đổi thành thung lũng Hòa Bình. Năm 1953, khi Chủ tịch Hội đồng thị xã lúc bấy giờ là Nguyễn Vỹ đề xuất chuyển đổi tên gọi các danh từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm thể hiện tiếng độc lập của dân tộc thì khi đó cái tên "Thung lũng Tình yêu" được ra đời.

Năm 1972, nhờ đắp một con đập lớn vắt ngang thung lũng đã tạo ra một hồ nước lớn có tên là hồ Ða Thiện. Vì có hồ mà thung lũng này càng thêm thơ mộng, tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách và nhất là đối với những lứa đôi ở khắp miền đất nước. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc cấp, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây Thung lũng Tình yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa như một bức tranh, sinh động với những cánh buồm chấp chới trên hồ.
 Thác Prenn
Vị trí: Thác Prenn nằm ngay dưới chân đèo Prenn - nơi cửa ngõ ra vào Đà Lạt, sát quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km.

Đặc điểm: Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời kỳ xa xăm vào khoảng thế kỷ 15 - 17, khi vùng núi đồi nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm lăng", còn các dân tộc bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn"

Từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường 20 lên Ðà Lạt phải qua đèo Prenn dài 10km. Đến chân đèo, đi khoảng 100m du khách sẽ được tận hưởng sự êm dịu và duyên dáng của một bức màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10m xuống một thung lũng nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và đồi thông. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý. Một chiếc cầu cong nho nhỏ được bắc ngang qua hồ nước.
Du khách hãy lên cầu đi sát tới bức màn nước để cảm nhận sự dịu dàng của thác Prenn. Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với dự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...

Núi Lang Bian
Vị trí: Núi Lang Bian nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc.
Đặc điểm: Đây là địa điểm thích hợp cho các nhà dân tộc học, cho các du khách yêu văn hoá truyền thống đến nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Nam Tây Nguyên.
Núi Lang Bian còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết - chàng K'lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Bian.

Tỉnh Lâm Ðồng có địa hình không bằng phẳng với 3 cao nguyên: Lang Bian-Ðà Lạt, Ðran-Liên Khương, Blao-Di Linh và một bình nguyên Ðạ Huai-Cát Tiên. Cao nguyên Lang Bian vào đầu thế kỷ 19 vẫn còn là một vùng đất thưa dân, hiểm trở. Người bản địa tập trung trong một số làng, đông nhất là Dankia. Qua một thế kỷ, diện mạo của cao nguyên Lang Bian thay đổi nhiều, trừ một vài nơi như vùng đồi Cù chống hạn. Từ trung tâm thành phố Ðà Lạt, sau 15 phút đi bằng xe máy hoặc xe ôtô, du khách đã có thể đến chân núi Lang Bian huyền thoại nơi có những bản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như: dân tộc Lát, Chil (Cơ Ho)...Ngày nay người Lạch đến định cư ở đây nên buôn làng gắn bó với ngọn núi này. Từ tháng 11/1999, khu vực này đã được giao cho Công ty du lịch tỉnh Lâm Ðồng, với tên gọi là khu du lịch Lang Bian. Ðịa hình của Lang Bian rất thích hợp cho kiểu du lịch dã ngoại để tìm một chút hơi lạnh của miền sơn cước. Tại chân núi có nhiều khu đón khách. Ngoài những cơ sở nghỉ ngơi cao cấp, còn có khu cắm trại và nhiều dịch vụ cần thiết cho du khách. Họ dừng lại đây để nghỉ dưỡng tham quan thắng cảnh. Một số cắm trại qua đêm, quây quần  bên ánh lửa với ché rượu cần, nghe những khúc hát cùng những âm thanh của nhạc cụ cổ truyền người Lạch. Họ ăn uống, ca hát, nhảy múa suốt đêm. Ban ngày xem các cô gái Lạch ngồi dệt thổ cẩm, du khách có thể mua những đặc sản của họ như chiếc gùi, những vóc thổ cẩm nhiều màu sắc.

Một số đoàn gồm những thanh niên trẻ, khỏe, thích những trò chơi mới lạ, leo núi, chinh phục đỉnh Lang Bian, dù lượn... Ðối với họ, chuyến đi còn là một thử thách của những người tham gia để vượt qua chính mình. Có ba cách lên tới đỉnh-nơi đặt logo Du lịch Ðà Lạt: đi xe Uoát, đi bộ hoặc leo bằng dây. Ngoài ra còn có một đường xuyên rừng khoảng 2km cũng lên tới đỉnh. Vài năm gần đây, trên đỉnh Lang Bian có loại hình dù lượn, xuống núi bằng dây. Cảm giác thú vị nhất của du khách là được ngự trị trên đỉnh đồi Rađa cao hơn 2.000m, thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi. Ðứng ở đây có thể ngắm trọn vẹn thành phố Ðà Lạt mộng mơ, hiện ra như một bức tranh thủy mặc, phía tây là hồ Dankia-Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.

Hồ Tuyền Lâm
 Vị trí: Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng nam. 
Đặc điểm: Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá
Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này. Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.

Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đã thuần dưỡng đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Ðá Tiên. Nhiều loại thú hoang mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn. Năm 2001, có gần 100 nghìn khách tham gia các tour du lịch trên hồ, khoảng 15% là du khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Họ thường chọn những chương trình thám hiểm rừng sâu để quan sát chim thú và ghi âm những âm thanh của núi rừng. Vào xuân, hồ Tuyền Lâm lấp lánh màu ngọc bích, tô đậm thêm nét thơ mộng, lãng mạn của Ðà Lạt vốn đã xinh tươi.

Chùa Linh Sơn
Vị trí: Chùa Linh Sơn nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 700m về hướng tây bắc.

Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc Á Đông giản dị với hai mái xuôi. Trên đỉnh mái có đắp đôi rồng uốn lượn theo thế "lưỡng long triều nhật". Hai bên bậc cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được khắc chạm công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 4ha, trồng trà, cà phê, bạch đàn, thông, tùng, trắc bách diệp, mai anh đào...Chùa được xây dựng từ năm 1936 và hoàn thành vào năm 1940. Cảnh chùa trang nghiêm, cổ kính. Con đường vào chùa rợp bóng những hàng thông và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Quan Thế Âm đứng trên Đài Sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải sân chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp.

Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữa đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng nhởn nhơ bơi lội trông thật vui mắt. Bên trong chùa, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chánh điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni đang tham thiền nhập định trên tòa sen. Tượng được đúc vào năm 1952, bằng đồng, nặng 1.250kg. Ngoài ra chùa còn có phòng phát hành kinh sách và hàng lưu niệm. Trụ trì chùa từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mẫn. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hiện đặt văn phòng tại đây

Thác Đambri
Vị trí: Thác Đambri nằm cách trung tâm thị xã Bảo Lộc khoảng 18km.

Đặc điểm: Đây là ngọn thác lớn ở Lâm Đồng, nằm giữa khung cảnh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ.
Từ thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát, du khách sẽ đến với khu du lịch sinh thái Đambri để được thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh nam Tây Nguyên. Thác Đambri có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá với diện tích gần 300ha cùng đủ loài chim. Nhiều cây cổ  thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt ở đây. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, khách du lịch có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống. Khách muốn xuống chân thác có thể đi bằng hai đường: thang máy hoặc đường bộ. Nhưng hầu hết du khách đều chọn đường bộ men theo sườn núi, đã được bêtông hoá nên đi lại thuận tiện để được thưởng ngoạn phong cảnh.Theo lối mòn ven suối đi về phía thượng lưu, muốn sang bờ bên kia khách sẽ được một lần thử độ khéo léo và lòng dũng cảm khi chênh vênh đi trên chiếc cầu dây theo kiểu của đồng bào dân tộc ở địa phương vẫn làm. Cầu được bện từ những thứ dây leo rất sẵn ở rừng như song, mây, giang, lồ ô... Vào buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, khách sẽ được thưởng thức những lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng có thể tự mang lều trại để tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Thật rất nhiều điều thú vị.

Để những chuyến tham quan của du khách thêm sinh động, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đambri còn khoanh một khu vực nuôi các loài thú. Đảo khỉ tại đây có hàng trăm con, hươu nai được nuôi thả tự do khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi bắt gặp. Cũng có cả những khu nuôi gấu, ba ba, rùa. Đặc biệt, có những chú voi đã được thuần dưỡng và ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ dẫn của quản tượng. Du khách có thể ngồi trên lưng voi để chụp ảnh lưu niệm. Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông, thuê một chiếc thuyền để hưởng thú câu cá trên hồ.

Thác Đatanla
Vị trí: Thác Đatanla nằm khoảng giữa đèo Prenn, cách thành phố Đà Lạt 5km. 
Đặc điểm: Thác Đatanla tuy không hùng vĩ, ồn ào như nhiều dòng thác khác của Đà Lạt nhưng lại có một sức cuốn hút đặc biệt đối với những ai thích mạo hiểm phiêu lưu.

Đatanla hay Đatania do các từ K’Ho ghép lại: “Đà –Tàm - N’ha” có nghĩa là “nước dưới lá” – liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm, Lạt, Chil thế kỷ 15 - 17. Từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ, du khách sẽ gặp thác Đatanla với cảnh trí đầy hấp dẫn và đậm nét hoang sơ.

Thác đổ xuống từ ghềnh cao 20m, len lỏi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi lẫn khuất đâu đó trong rừng sâu tạo thành một dòng suối, lúc ẩn lúc hiện như mời gọi thách thức bước chân khách lãng du.

Nơi đây có những tảng đá nhẵn bóng thật đẹp, tương truyền xưa kia các tiên nữ trên thượng giới thường ghé lại nô đùa tắm suối nên khu vực này còn được gọi là Suối Tiên. Đi xa xuống phía dưới, du khách sẽ gặp một hẻm vực sâu hun hút được gọi là vực Tử Thần. Đây là một nơi khá nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn nếu không được các đơn vị chuyên nghiệp với những trang thiết bị bảo đảm an toàn tổ chức thám hiểm. Du khách không nên liều lĩnh khám phá những bí ẩn của hẻm vực Tử Thần Đatanla.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét